Di tích Nguyệt Đức, Thuận Thành

Đình Làng Đào Viên thờ thánh tổ nghề đúc đồng Nguyễn Minh Không, tương truyền xưa ông là người truyền dạy nghề đúc đồng cho các làng nghề ở Nguyệt Đức.

Trên địa bàn xã Nguyệt Đức còn nhiều dấu tích chứng minh ở thế kỷ X nơi đây là trung tâm chiếm đóng của sứ quân Lý Khuê thời 12 sứ quân. Căn cứ vào thần tích và di vật còn ở Siêu Loại, Lý Khuê từng cho sửa lại thành Luy Lâu làm đại bản doanh. Nhưng thực chất chỉ là cái bẫy cho đối phương. Sự thật, ông đã bí mật cho đại quân kéo về ấp Cồi, nay thuộc làng Thư Đôi, xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành xây dựng căn cứ chính.[2] Tại đây, Lý Khuê đã cho xây dựng ấp thành căn cứ quân sự: Đào ao toàn bộ xung quanh ấp, đắp lũy cao, rồi trồng tre gai thật dầy. Cả ấp chỉ để hai cổng ra vào. Riêng cổng ở Ngõ Dưới hướng lên phía bắc, ông cho xây dựng rất kiên cố. Bên ngoài cổng cho đắp một cái bãi hình mũi mác chĩa ra đường cái, gọi là Bãi Mác. Cạnh đấy, ông còn cho xây một đồn canh có hình thù rất kỳ dị và độc đáo: Đồn nửa chìm nửa nổi, phần nổi có hình như một cái bụng người nên gọi là Đồn Bụng. Riêng Đồn Bụng sau này đã bị quân Minh tàn phá nên đổi tên gọi là Vườn Bụng ở giữa ngõ Ngoài và ngõ Giữa. Còn bên trong cho đắp những gò đống để khi bí thế thì rút quân vào đấy. Chỗ này gọi là Tầm Bùi. Ông còn cho đào một cái ao khá lớn, xung quanh cũng trồng tre gai dày đặc, dưới ao cũng thả rau muống, rau ngổ cho lên cao tốt. Ở giữa ao cho đắp một cái gò khá rộng để họp bộ chỉ huy. Chỗ này gọi là Vườn Phủ.